Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

honda air blade 125 - lấy công nghệ làm điểm mạnh

Honda Air Blade 125 - lấy công nghệ làm điểm mạnh

Honda Việt Nam tung ra Air Blade 125 với tất cả những tính năng hiện đại nhất dành cho xe tay ga nhằm tăng sức cạnh tranh ở phân khúc xe máy giàu tiềm năng nhất.

Air Blade là một trong những cái tên có sức hút nhất trên thị trường xe máy hiện tại. Một thay đổi nhỏ cũng nhận đánh giá chi li của cả người thích và không thích. Honda hiểu rõ điều này và sau phiên bản 2011 không có nhiều ấn tượng, hãng xe Nhật quyết tâm tung ra thế hệ mới với những cải tiến lớn nhằm lấy lại những gì mà Nouvo thế hệ 5 đã giành được.

Những chi tiết mập mạp trên Air Blade 2011 được gọt giũa cho mảnh mai hơn dù chiều rộng tăng từ 680 mm lên 687 mm. Phần mũi xe không còn quá cồng kềnh khi nhìn từ vị trí người lái. Cụm đèn pha bè đã gọn gàng và hấp dẫn nhờ cặp đèn thấu kính đôi khá bắt mắt, một xu hướng mà Yamaha khơi mào trên Nouvo.

Cụm đồng hồ cũng trẻ trung với cách bố trí đồng hồ trung tâm to bản. Những người chê trách Honda tiết kiệm nay có thể thỏa mãn phần nào với đồng hồ điện tử hiển thị thời gian, lượng xăng trong bình và công-tơ-mét. Sự áy náy duy nhất ở thiết kế mới là phần đuôi hơi cụt so với bánh, vì thế nhìn từ phía sau Air Blade 125 không mạnh mẽ như phần đầu, không trường xe như Air Blade 2010.

Air Blade 125 với thiết kế sắc hơn Air Blade 2011.
Air Blade 125 với thiết kế sắc hơn Air Blade 2011.

Bấm nút đề, xe khẽ rung. Động cơ nổ êm như đàn anh PCX125. Honda đang tận dụng công nghệ tích hợp máy phát với bộ đề trên động cơ 125 nhằm mang tới quá trình khởi động êm ái. Với sức mạnh tăng từ 9 mã lực lên 11 mã lực, mô-men xoắn từ 9,5 Nm lên 11,2 Nm, Air Blade 125 cho cảm nhận năng động và giàu sức mạnh hơn hẳn đời 2011.

Vít ga, xe vọt lên 40 km/h nhẹ nhàng, không chút gằn gừ. Nếu Air Blade 2011 chỉ thoát khi đi trên 30 km/h thì ở bản mới, Air Blade sẵn sàng tăng tốc ở các dải tốc độ khác nhau. Từ 40 lên 50 hay 60 chỉ cần một cú xoay nhẹ, xe có độ cân bằng tốt, tư thế lái thẳng lưng và chỗ để chân rộng rãi. Nouvo vốn luôn hơn Air Blade ở đặc tính bốc ở 'nước sau' giờ đây gặp phải một phiên bản đáng gờm. Những cú vẩy ga giúp Air Blade thoát đám đông không kém cạnh. Phản ứng tay ga nhạy hơn nên chủ nhân có thể thoải mái thể hiện cá tính.

Giảm xóc trước vẫn dạng telescopic nhưng không còn tiếng 'kịch' khi đi qua chỗ xóc. Khi giảm tốc, tiếng láp vẫn khá lớn và hầu hết các dòng xe tay ga dưới 50 triệu đều mắc lỗi này.

Cặp đèn thấu kính.
Cặp đèn thấu kính.

Sự hào hứng của khách hàng ngoài động cơ còn có công nghệ tiết kiệm nhiên liệu Idling Stop. Khi dừng quá 3 giây, động cơ sẽ ngắt và tự khởi động lại khi người lái nhích ga. Nếu PCX125 đời đầu chỉ ngắt động cơ khi cảm nhận có người ngồi thì Air Blade 125 ngắt cả động cơ khi chủ nhân không chạm yên. Khoảng thời gian 3 giây hơi quá ngắn so với những tình huống giao thông Việt Nam nên đôi khi người lái phải chủ động nuôi ga để xe đỡ thay đổi trạng thái quá nhiều.

Nếu không thích người lái có thể chọn chế độ Idling, xe sẽ vận hành liên tục như bình thường. Khi ở Idling Stop, đèn báo xanh sẽ sáng. Chế độ Idling Stop không hoạt động khi vòng tua không tải ở quá cao hoặc quá thấp. Khác với đời trước, Air Blade có thể chỉnh ga-lăng-ti và thêm cần khởi động. Cốp Air Blade 125 để đủ một mũ bảo hiểm nửa đầu, phần thêm phía sau khá hẹp dành cho áo mưa hay những thứ mỏng tương tự.

So với đời cũ, Honda phân biệt các phiên bản rõ ràng hơn, nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Bản tiêu chuẩn không có tem, chìa khóa thường. Bản cao cấp nhất gắn tem thể thao và chìa khóa có chức năng tìm xe trong bãi rất thiết thực.

Mức giá đề xuất của Honda dành cho các bản thường, cao cấp, đặc biệt lần lượt là 38, 39 và 40 triệu đồng. Nhưng vấn đề muôn thưở của Air Blade vẫn là tình trạng giá bán thực tới tay người tiêu dùng cao hơn đề xuất. Hiện tượng này luôn bị người tiêu dùng phản ứng tiêu cực, dù Air Blade có độ tin cậy đến đâu.

>> Ảnh chi tiết Honda Air Blade 125

Trọng Nghiệp

Nguồn: vnexpress.net

những cải tiến lịch sử của động cơ đốt trong

Những cải tiến lịch sử của động cơ đốt trong

Công nghệ tối tân tác động sâu đến động cơ, làm tăng công suất, hiệu suất nhưng cũng khiến nó ngày càng phức tạp.

Động cơ 4 kỳ thế chỗ 2 kỳ

Một trong những bước ngoặt sớm nhất diễn ra vào cuối năm 1800. Chu trình hoạt động diễn ra trong 2 vòng quay trục khuỷu, trải qua 4 giai đoạn: hút, nén, nổ, xả. So với động cơ 2 kỳ, loại 4 kỳ cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu, độ bền, công suất, mô-men và đặc biệt là khí thải. Tuy nhiên nó đắt và phức tạp hơn vì sử dụng van cho cả đường nạp và xả.

Nạp cưỡng bức bằng turbin tăng áp

Một động cơ cần đủ 3 yếu tố để tạo ra động năng: nhiên liệu, khí và tia lửa. Càng đốt cháy nhiều không khí và nhiên liệu theo tỷ lệ thích hợp thì càng tạo ra nhiều công suất. Nguyên tắc này mở đường cho việc ứng dụng turbin tăng áp cho động cơ.

Tubin tăng áp trên xe BMW Serie 7.
Tubin tăng áp trên xe BMW Serie 7.

Về mặt bản chất turbin tăng áp là một máy nén khí, 'thổi' khí áp suất cao vào buồng cháy nhờ đó nâng cao tỷ nén. Hệ thống nạp cưỡng bức từng sử dụng trên động cơ máy bay trong thời gian dài trước khi được ứng dụng trên động cơ ôtô vào năm 1960. Chúng giúp động cơ nhỏ tạo ra công suất lớn. Không tăng kích thước động cơ mà vẫn tạo công suất lớn đồng nghĩa với tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên nhược điểm là yêu cầu sử dụng xăng cao cấp, và turbin chỉ phát huy công dụng khi cánh đạt tốc độ cao.

Phun xăng điện tử

Nhiều thập kỷ trước, người ta sử dụng chế hòa khí để trộn và xé tơi xăng trong không khí. Nhấn ga, chế hòa khí cấp nhiều nhiên liệu và không khí vào buồng đốt hơn. Cuối những năm 1980, chế hòa khí dần được thay bằng hệ thống phun xăng với ưu thế việc hòa trộn nhiên liệu đạt hiệu quả hơn, động cơ dễ khởi động ngay cả trong thời tiết lạnh, phản ứng nhanh với những thay đổi ở chân ga. Tất nhiên cái giá cho cải tiến là sự phức tạp, chi phí cao.

Phun xăng trực tiếp

Phát kiến này là sự tinh luyện của hệ thống phun xăng điện tử. Xăng được đưa trực tiếp vào buồng đốt để tăng hiệu suất và công suất.

Dùng nhôm làm thân động cơ

Vài năm trước, ngành ôtô rộ lên xu hướng giảm tiêu thụ nhiên liệu, tăng khả năng vận hành. Một trong những phương án làm nhẹ xe là sử dụng nhôm thay cho thép làm thân động cơ. Tuy nhiên nhôm có nhược điểm là không cứng và kém ổn định so với thép khi ở nhiệt động cao.

Đưa trục cam lên đỉnh máy

Nhiều thập kỷ trước, hệ thống phân phối khí phổ biến trên động cơ là loại OHV (Overhead Valve), trục cam đặt trong thân máy, điều khiển xu-páp thông qua cần đẩy. Phương án này làm tăng khối lượng và hạn chế tốc độ máy.

Đưa trục cam lên đỉnh xi-lanh giúp chúng nhỏ lại, tạo điều kiện cho việc bố trí thêm nhiều xu-páp. Tăng tiết diện lưu thông, tức là khí vào ra nhiều hơn, công suất động cơ tăng.

Thực tế, một vài hãng vẫn còn khá mặn mà với kiểu bố trí xu-páp treo (OHV): Chrysler sử dụng nó trong động cơ Hemi V8, General Motors vẫn ứng dụng phương pháp cần đẩy trong một số công nghệ cao trên mẫu V8 mới. Tuy nhiên, DOHC (trục cam kép) và SOHC (trục cam đơn) cho thấy rõ ưu điểm trên động cơ loại nhỏ kể từ năm 1980.

Công nghệ van biến thiên

Về mặt bản chất, công nghệ này thay đổi thời gian đóng mở xu-páp một linh hoạt theo tốc độ giúp động cơ nạp khí tối ưu từ đóng nâng cao khả năng vận hành đặc biệt khi ở tốc độ thấp. Honda gọi đó là VTEC, Toyota là VVT, còn BMW là Valvetronic.

Công nghệ VTEC của Honda.

Máy tính 'hóa' động cơ

Động cơ ngày nay là thiết bị tinh vi đáng kinh ngạc. Nó gồm nhiều phần tử hoạt động và đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Đó là lý do vì sao nó cần một chiếc máy tính (ECU) để kiểm soát mọi thứ. ECU đảm bảo cho thời gian đánh lửa, tỷ lệ nhiên liệu - không khí, vòi phun, tốc độ không tải và các hệ thống khác vận hành theo đúng những gì được thiết kế.

Nó giám sát mọi thứ diễn ra bên trong động cơ thông qua cảm biến, và thực hiện hàng triệu phép tính trong mỗi giây dù mọi thứ vẫn đang vận hành trơn tru. Một máy tính khác trong xe kiểm soát mọi thứ như: hệ thống điện, túi khí, nhiệt độ carbin, kiểm soát lực kéo, hệ thống chống bó cứng phanh, và hộp số tự động.

Ôtô được máy tính hóa kể từ khi hệ thống chẩn đoán On-Board Diagnostic (OBD) tích hợp lần đầu tiên vào nhưng năm 1980.

Động cơ Diesel sạch hơn

Tai tiếng về độ rung ồn, khói muội và tin cậy của thế hệ máy dầu những năm 70 - 80 thế kỷ trước khiến nó ít được chuộng tại Mỹ, dù luôn tiết kiệm nhiên liệu và có công suất cao hơn so với động cơ xăng cùng cấp. Các mẫu động cơ xăng đời mới sử dụng nhiên liệu nghèo lưu huỳnh nên thải khí sạch hơn. Một số hãng sản xuất máy dầu Volkswagen, Mercedes-Benz, BMW, Volvo có hàng loạt cải tiến: turbin tăng áp, hệ thống phun phức tạp.

Động cơ Hybird

Giá nhiên liệu tăng, ý thức môi trường nâng cao, tiêu chuẩn khí thải siết chắt tạo nên một bước ngoặt lớn trong ngành là sự ra đời của xe hybrid. Động cơ hybrid xuất hiện cách đây một thập kỷ. Nó là sự kết hợp của động cơ đốt truyền thống và động cơ điện nhằm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Toyota Prius được xem như mẫu hybrid điển hình. Xe trang bị động cơ 4 xi-lanh dung tích 1,8 lít, kết hợp với một động cơ điện cho tổng công suất 134 mã lực. Xe có mức tiêu thụ trên đường hỗn hợp đạt 4,7 lít cho 100 km.

Nhược điểm của xe Hybrid là có chi phí ban đầu lớn, điều này gây ra những tranh cãi về lợi ích nó mang lại với những gì khách hàng phải bỏ ra.

Thế Hoàng

Nguồn: vnexpress.net

công bố tiêu chuẩn chân sạc xe điện

Công bố tiêu chuẩn chân sạc xe điện

Dựa trên mẫu giắc J1772 (2009), thiết kế tiêu chuẩn tích hợp cả chân cắm cho nguồn điện xoay chiều và một chiều cùng với các quy định về mức nạp và an toàn.

Ngành công nghiệp xe điện và plug-in hybrid đang học bài học của các nhà sản xuất điện thoại di động. Thay vì để các hãng tự phát triển chân cắm sạc theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược, Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ (SAE) kỳ vọng sẽ ngăn chặn sự hỗn loạn bằng cách đưa ra tiêu chuẩn chân sạc chung cho thị trường Bắc Mỹ.

Cụm rắc cắm theo tiêu chuẩn SAE.
Cụm giắc cắm theo tiêu chuẩn SAE.

Công bố mới được đưa ra trong tuần này. SAE cho biết đây là kết qủa cuộc thăm dò ý kiến 190 chuyên gia trong lĩnh vực ôtô, thiết bị nạp, công nghiệp ứng dụng và phòng thí nghiệm.

Khác với mẫu cơ sở J1772 (2009) chỉ có chân sạc AC (điện xoay chiều), giắc cắm tiêu chuẩn Combo J1772 còn có thêm chân cắm DC (điện một chiều). Bởi vậy hai mẫu xe điện Nissan Leaf 2012 và Chevrolet Volt 2013 đều có thể sử dụng tiêu chuẩn này.

Giắc cắm J1772 (2009)

Với tính năng kép, giắc tiêu chuẩn có cả ưu và nhược của hai loại trên. Nguồn AC phổ biến vì nó là điện dân dụng. Bộ chuyển nguồn trên xe sẽ biến nó thành dòng một chiều trước khi nạp vào ác-quy. Tuy nhiên AC lại gặp phải vấn đề nhiệt do đó dòng điện nạp thường nhỏ, thời gian sạc lâu. Nguồn DC nạp nhanh hơn, về mặt lý thuyết là vô hạn nhưng yêu cầu các trạm sạc quy mô, tốn kém vì thế nó ít phổ biến.

Tiêu chuẩn mới cững đưa ra yêu cầu về tính năng an toàn và cấp độ xe. Theo đó giắc cắm phải đảm bảo an toàn khi sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết. Thực tế, các kết nối chưa bao giờ 'sống' trừ khi được điều khiển trong lúc xe nạp.

Kiểu giắc cắm CHAdeMO.

Sẽ có hai mức sạch trong tiêu chuẩn mới. Mức Level 2 sử dụng nguồn điện 220 V và sạc trong 3 giờ. Mức Level 3 hỗ trợ nguồn 480 V hoặc cao hơn với thời gian sạc là 10 phút.

Đối thủ chính của Combo J1772 là là tiêu chuẩn CHAdeMO (Nhật) vốn đang được trang bị trên Mitsubishi i và Nissan Leaf. Hơn một nghìn trạm sạc xe điện tại Nhật cũng sử dụng giắc cắm theo tiêu chuẩn CHAdeMO.

Thế Hoàng

Nguồn: vnexpress.net

hệ thống lái điện thế hệ mới của nissan

Hệ thống lái điện thế hệ mới của Nissan

Không chỉ phản ứng tức thời, hệ thống mới còn tự động lái xe về tìm làn đường khi có xu hướng đi lệch ngoài ý muốn.

Hệ thống phân tích lực tác động lên vô-lăng rồi truyền kết quả tới ECU. Sau khi xử lý thông tin, ECU điều khiển cơ cấu chấp hành quay bánh xe một góc tương ứng. Lực đánh lái đóng vai trò là tín hiệu điều khiển do đó yêu cầu lực nhỏ.

Bởi điều khiển điện tử nên thời gian phản ứng của hệ thống gần như tức thời. Mặt khác nó có khả năng tự điều chỉnh theo tín hiệu phản hồi từ mặt đường. Tài xế không cần giữ chặt vô-lăng mỗi khi đi trên mặt đường gồ ghề.

Hệ thống lái điện thế hệ mới của Nissan sẽ được trang bị cho các dòng xe Infiniti kể từ năm 2013.
Hệ thống lái điện thế hệ mới của Nissan sẽ được trang bị cho các dòng xe Infiniti kể từ năm 2013.

Một camera trước gắn trên gương hậu thu thập thông tin về làn đường và chiều chuyển động của xe rồi chuyển tới ECU. Nếu phát hiện có sự khác biệt giữa hai thông số này, bánh sẽ tự động điều chỉnh. Ví dụ khi xe bắt đầu dạt sang một bên, hệ thống lái điện sẽ tự động lái nó về làn. Kết quả tạo ra quá trình lái trơn tru, thư giãn.

Trong trường hợp hệ thống mất công suất hoặc không làm việc, ly hợp dự phòng sẽ làm việc, khôi phục lại chức năng lái cơ khí.

Một trong những rào cản lớn trong việc ngăn cản quá trình hiện thực hóa hệ thống này là giá. Tuy nhiên Nissan cho biết hệ thống sẽ có mặt trên xe Infiniti 2013

Video giới thiệu công nghệ lái điện thế hệ mới của Nissan

Thế Hoàng

Nguồn: vnexpress.net

quy trình lắp ráp động cơ ducati bằng tay

Quy trình lắp ráp động cơ Ducati bằng tay

Nêu bỏ qua mùi dầu mỡ, thì dây chuyền sản xuất động cơ xe 1199 Panigale có thể sánh ngang với phòng phẫu thuật.

Mọi thứ đều gọn gàng, tinh xảo, thiết bị hiện đại. Các kỹ thuật viên trẻ, tay nghề cao, hiểu biết mọi thứ về động cơ mà họ sản xuất và đặc biệt là đều tốt nghiệp những học viện công nghệ danh giá.

Tất cả phần tử của động cơ xếp ngăn nắp trong khay trước khi đi vào dây chuyền. Khay đầu tiên gồm nửa dưới của động cơ Power Twin. Trục khuỷu kép, cặp pít-tông và ống lót đã ghép lại.
Khay thứ 2 gồm các phần tử thuộc nửa hộp trục khuỷu trên, hộp số, bơm nước, bơm dầu và một số chi tiết khác.
Trước khi đưa vào dây chuyền, mỗi nửa các-te được kiểm tra kích thước lỗ gắn vòng bi bằng máy đo điện tử.
Khay đầu (hộp trục khuỷu, bộ hơi) và khay thứ 2 (chứa nửa máy còn lại, hộp số) gặp nhau ở đầu dây chuyền.
Một nửa hộp trục khuỷu gá cố định trên giá.
Trục sơ cấp và trục thứ cấp được gắn lên.
Các thành phần quan trong như trục khuỷu, thanh truyền, pít-tông gá đặt sẵn trên giá Teflon.
Tháo giá bảo vệ Teflon khỏi nửa dưới của trục khuỷu. Ổ trục chính được chèn vào bên trong giá.
Đỉnh pít-tông đường kính 112 mm.

>> Xem tiếp

Bảo Sơn
Ảnh: Cycleworld

Nguồn: vnexpress.net

điện thoại thông minh thay khóa ôtô

Điện thoại thông minh thay khóa ôtô

Mẫu concept mới của Hyundai dựa trên i30 toàn cầu có thể biến smartphone thành khóa điều khiển mở cửa và khởi động trực tiếp.

Ý tưởng mà hãng xe Hàn Quốc đưa ra là sử dụng trường kết nối gần gắn trên cửa sổ chiếc hatchback để giao tiếp với smartphone. Khác với các hệ thống như OnStar của General Motorsyêu cầu người sử dụng bật chương trình ứng dụng kết nối vệ tinh để điều khiển xe, Hyundai Connectivity Concept về bản chất giống như việc tích hợp chip khóa điều từ xa vào điện thoại.

Theo Leftlanenews, hệ thống của Hyundai tự động kéo hồ sơ cá nhân lên, các thiết lập tương tự như audio, dự báo thời tiết, danh bạ điện thoại tự động đưa ra trước khi tài xế ấn nút khởi động.

Một thiết bị sạc cũng tích hợp trong bảng điều khiển để duy trì pin cho điện thoại. Tuy nhiên, vẫn còn một vài khó khăn cần phải vượt qua như tình huống xuất hiện nhiều smartphone hoặc khi điện thoại hết pin.

Công nghiệp ôtô thường chứng kiến sự thoái lui của loại khóa cơ trước ưu điểm tiện dụng, an toàn của khóa điều khiển từ xa mà hiện nay đang phổ biến. Giờ đây, Hyundai cùng đối tác Broadcom cho biết, kiểu kết nối mới có thể đưa vào xe thương mại ngay trong năm 2015.

Bảo Sơn

Nguồn: vnexpress.net

hiểu về đường đặc tính động cơ xăng

Hiểu về đường đặc tính động cơ xăng

Với nhiều người thông số mô tả công suất lớn nhất, mô-men xoắn cực đại của động cơ không thật nhiều ý nghĩa, nhưng với nhà chế tạo nó có ý nghĩa quan trọng đối với động lực học.

Đường đặc tính công suất động cơ có thể hiểu đơn giản là đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa công suất phát ra tại trục khuỷu với tốc độ quay của nó. Ứng với mỗi vị trí bướm ga (hoặc chân ga) sẽ có một đường đặc tính công suất khác nhau. Để đơn giản quá trình đánh giá, người ta thường sử dụng khái niệm đường đặc tính ngoài, đo khi bướm ga mở lớn nhất.

Suzuki F8B
Đường đặc tính động cơ Suzuki F8B.

Nhấn ga, trong giai đoạn đầu công suất tăng theo tốc độ, kết quả xe chạy nhanh hơn. Nhà sản xuất thường cung cấp giá trị công suất lớn nhất kèm tốc độ quay trục khuỷu. Nhưng nếu vòng tua máy tiếp tục tăng thì công suất giảm đáng kể bởi lúc này hiệu suất đốt cháy giảm, tổn thất cơ khí và tải trọng động tăng.

Khái niệm đường đặc tính mô-men cũng tương tự như khái niệm đường đặc tính công suất. Nó biểu thị mối quan hệ giữa mô-men phát ra tại trục khuỷu và tốc độ quay ứng với từng vị trí mở của bướm ga. Đường đặc tính mô-men ngoài đo khi bướm ga mở hoàn toàn.

Trong giai đoạn đầu, mô-men tăng theo tốc độ, đạt giá trị lớn nhất, sau đó giảm dần, nhưng tỷ lệ giảm chậm hơn công suất. Vì thế nhà sản xuất thường thiết kế để động cơ đạt mô-men cực đại trước khi đạt công suất lớn nhất. Dải tốc độ từ khi động cơ đạt mô-men xoắn cực đại cho tới khi nó đạt công suất tối đa được dùng để tính toán hệ thống truyền lực.

Dải tốc độ này thấp có nghĩa rằng động cơ nhanh đạt mô-men xoắn cực đại và công suất lớn nhất. Trong giai đoạn vít ga đầu tiên xe chạy bốc, tăng tốc nhanh. Nhưng độ bốc sẽ giảm nếu tiếp tục thêm ga, thậm chí khi đạt ngưỡng tốc độ nhất định máy còn khá ì.

Ngược lại, dải tốc độ ở mức cao, lúc mới vít ga máy chạy ì, tăng tốc chậm, nhưng khi chạm tới ngưỡng nhất định máy bốc và thoát. Chiếc Yamaha Jupiter FI 2012 là một ví dụ cho trường hợp này. Xe trang bị động cơ 4 kỳ, mô-men xoắn cực đại 9,9 Nm ở 6.500 vòng/phút, công suất tối đa 9,92 mã lực tại tốc độ 7.750 vòng/phút. Dải tốc độ thiết kế trong khoảng 6.500 - 7.750 vòng/phút. Ở tốc độ khoảng 40 - 50 km/h, máy chạy bốc, tăng tốc nhanh hơn giai đoạn 10 - 20 km/h.

Ngoài đường biểu diễn công suất và mô-men, các kỹ sư còn quan tâm tới mức tiêu thụ nhiên liệu. Động cơ được thiết kế sao cho đạt mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất trong dải tốc độ làm việc thường xuyên.

Theo chia sẻ từ nhân viên hướng dẫn lái xe của Yamaha, chiếc Jupiter FI sẽ đạt mức tiêu thụ nhiên liệu tốt nhất khi chạy ổn định trong khoảng 40 - 60 km/h. Ở tốc độ quá cao, mức tiêu thụ nhiên liệu tăng một phần do tổn thất ma sát tăng, hiệu suất đốt cháy giảm, một phần khác do cản không khí cũng tăng tỷ lệ với vận tốc xe.

Thế Hoàng

Nguồn: vnexpress.net

hyundai tích hợp google map lên xe

Hyundai tích hợp Google Map lên xe

Việc tích hợp ứng dụng Google Map giao diện APIs được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lái xe điều hướng trôi chảy.

Ứng dụng sẽ được đưa vào các mẫu xe bán tại Mỹ trang bị hệ thống thông tin Blue Link. Theo giám đốc quan hệ khách hàng Hyundai Mỹ, việc tích hợp Google Maps APIs sẽ làm cho Blue Link thêm hữu dụng. Giúp lái xe dễ tìm và định hướng đích tới.

Hệ thống Blue Link được Hyundai giới thiệu năm 2011.
Hệ thống Blue Link được Hyundai giới thiệu năm 2011.

Nếu tận dụng APIs của Google, Hyundai rất có thể sẽ đưa ra nhiều ứng dụng mới cho những xe trang bị Blue Link. Tính năng 'Send to Car' là một ví dụ, nó cho phép người sử dụng nhanh chóng gửi một đích đến từ máy tính hoặc điện thoại tới Blue Link, hoặc tìm kiếm địa điểm bằng giọng nói. Blue Link sẽ được hưởng lợi từ các nâng cấp dữ liệu địa điểm liên tục của Google.

Hệ thống Blue Link được Hyundai giới thiệu năm 2011, hỗ trợ 30 ứng dụng như: hỗ trợ khẩn cấp, khởi động từ xa, tìm đích đến hoặc gửi tin nhắn văn bản bằng giọng nói.

Các tính năng mới nhất của Blue Link sẽ được giới thiệu tại Consumer Electronics Show diễn ra vào tuần tới.

Bảo Sơn

Nguồn: vnexpress.net

chính phủ mỹ muốn xe điện ồn hơn

Chính phủ Mỹ muốn xe điện ồn hơn

Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), luật liên bang mới sẽ yêu cầu xe điện và hybrid phải tạo ra nhiều tiếng ồn hơn. Ước tính đạo luật với sẽ cứu sống 35 sinh mạng và tránh được 2.800 vụ tai nạn mỗi năm.

Xe hybird và xe điện quá êm so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong truyền thống khiến người người đi bộ không thể nhận ra trạng lái làm việc của chúng ở tốc độ thấp như: khởi động, chuyển hướng, giảm tốc, đi lùi, vào hoặc rời chỗ đỗ. Tăng nguy cơ va chạm gấp 1,38 lần đối với người đi bộ, và gấp 1,33 lần so với người đi xe đạp.

Toyota Prius Plug-in Hybrid
Toyota Prius Plug-in Hybrid

NHTSA nhận định, tỷ lệ tai nạn khác biệt hầu hết là do người đi bộ không phát hiện được xe bằng thính giác, nên không nhận biết được trạng thái làm việc của chúng.

Như một phần trong quá trình xây dựng, dự luật đang được thăm dò ý kiến. Luật này chỉ áp dụng khi xe chạy tốc độ thấp, bởi khi đạt trên 29 km/h tiếng ồn tự phát từ xe cũng đủ để người đi đường nghe thấy.

NHTSA tin tưởng rằng nhà sản xuất có thể làm xe của họ an toàn hơn khi cài đặt thiết bị tạo tiếng ồn. Để đẩy mạnh mục tiêu đó, cơ quan nà phát triển 14 mẫu âm thanh và kỳ vọng chúng sẽ được đưa vào luật.

Bảo Sơn

Nguồn: vnexpress.net

những công nghệ giữ lốp luôn căng

Những công nghệ giữ lốp luôn căng

Tận dụng chính sự biến dạng của lốp khi non để bơm hơi từ ngoài vào cho tới khi đạt áp suất tiêu chuẩn là ý tưởng chính trong công nghệ Goodyear Air Maintenance Technology (AMT)

Các phần tử AMT đều nằm gọn trong lốp với trái tim là thiết bị kiểm soát áp suất. Khi áp suất dưới mức tiêu chuẩn, thiết bị này sẽ mở van nạp của một ống chứa khí ẩn trong thành lốp. Bánh xe chuyển động, ống bơm biến dạng, không khí trong ống được dồn vào trong lốp thông qua van một chiều.

Mẫu
Công nghệ Goodyear Air Maintenance Technology (AMT)

Theo các nhà nghiên cứu, xe sử dụng lốp non hơi tiêu tốn nhiên liệu hơn 3%. Hiện Phòng công nghệ ôtô thuộc Bộ năng lượng Mỹ đã tài trợ 1,5 triệu USD để Goodyear thúc đẩy quá trình nghiên cứu nhằm thương mại hóa loại lốp trên.

Công nghệ lốp không hơi

Tweel - ý tưởng kết hợp vành và lốp do Michelin đề xuất năm 2005. Thay vì sử dụng khí nén, Tweel sử dụng nan hoa làm từ nhựa tổng hợp mềm để thực hiện chức năng giống như lốp bơm hơi.

Bánh Michelin Lunar.

Hoàn toàn không dùng khí nén, Tweel miễn dịch với chứng xẹp lốp. Tuy vậy nó lại sản sinh ra nhiều rung, ồn ở tốc độ trên 80 km/h. Vì thế Michelin hướng Tweel đến các phương tiện có dải tốc độ làm việc thấp. Loại lốp liền vành X-Tweel SSL dùng cho xe bốc dỡ trong cảng biển, xây dựng, hoặc nông nghiệp.

Bridgestone cũng từng giới thiệu Air-Free Tire Concept, thiết kế là một hệ thống các nan nhựa làm tự vật liệu tái chế xếp dạng lưới tạo ra sự đàn hồi, nâng đỡ trọng tâm bánh. Bridgestone cho biết loại lốp này đảm bảo được sự thoải mái, và tính năng vận hành khi sử dụng trên xe golf điện, máy cắt cỏ hoặc xe đẩy ở tốc độ thấp.

Bảo Sơn

Nguồn: vnexpress.net